LỄ HỘI TIÊU BIỂU

LỄ HỘI TIÊU BIỂU

Lễ hội Đống Đa-Tây Sơn nét văn hóa đạc sắc của miền đất võ

Hằng năm vào chiều ngày mùng 4 và ngày mùng 5 tết âm lịch người dân Bình Định và Du khách cả nước lại náo nức du xuân lễ hội tết Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong - Tây Sơn để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Hội tết Đống Đa – Tây Sơn – Bình Định là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước những ngày đầu xuân. Lễ hội được tổ chức trọng thể, hoành tráng từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch. Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng... diễn lại trận đánh lịch sử với những y phục, voi trận như ngày xưa vua Quang Trung ra trận... thu hút đông đảo khách nước ngoài, nhân dân cả nước và đặc biệt là người dân đất võ tham dự.          

Chương trình tế lễ Đống Đa diễn ra từ chiều mồng 4 tết với nhiều nghi lễ cổ truyền đặc sắc được tổ chức tại điện Tây Sơn. Lễ tế được tổ chức tôn nghiêm, cả khu vực rộng lớn, cờ lọng, nghi trượng rợp trời, chiêng trống rền vang... Người dự lễ như cảm thấy lòng mình hòa nhập vào hồn thiêng sông núi địa linh nhân kiệt.

Chương trình hội ngày mồng 5 tuy có thay đổi hằng năm nhưng các mục chính thì năm nào cũng có, đó là diễn văn ôn lại lịch sử Tây Sơn với cuộc đại phá quân Thanh, biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn và thao diễn trận pháp. Tiết mục võ thuật Tây Sơn được các võ sư, võ sĩ, nghệ nhân tên tuổi hàng đầu Bình Định biểu diễn các bài quyền truyền thống nổi tiếng của nhà Tây Sơn  như:  Lão mai độc thọ, Ngọc trản quyền, Hùng kê quyền; các bài võ sử dụng binh khí: Lôi long đao, Song phượng kiếm, Tuyết hoa song kiếm và Lôi phong tuỳ hình kiếm, hay các bài roi như Roi Thái sơn, Roi Hắc đảnh ô sơn … được người xem tán thưởng nhiệt liệt.         

Tiết mục nhạc võ Tây Sơn là môn nghệ thuật độc đáo của tỉnh Bình Định, người biểu diễn vừa phải có tâm hồn nghệ sĩ, vừa là bậc võ sĩ siêu đẳng và luyện đôi tay thần diệu để tác dụng lên lòng trống, vành trống và thân trống bằng cả hai bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, cánh tay, tiếp xúc vào một bộ trống gồm 12 chiếc lớn nhỏ khác nhau gọi là "Song thủ đả thập nhị cổ", tạo nên những âm thanh hùng tráng khác lạ khiến người xem như bị lôi cuốn, thúc giục. Tiết mục biểu diễn chiến trận Đống Đa lại càng hào hứng và hấp dẫn hơn nữa, được tổ chức trên địa thế qui mô, dàn dựng công phu, tập dượt công phu, có cả ngàn người thao diễn với cờ xí, chiêng trống, sắc phục, đồn lũy... y như thật, có năm còn có bốn, năm con voi trận tham gia.        

Màn biểu diễn Nhạc võ Tây Sơn làm cho người xem dễ dàng cảm nhận những tiếng gươm khua, tiếng binh khí, tiếng hò reo của quân sĩ, tiếng súng nổ, tiếng voi gầm, ngựa hí hoà lẫn vào tiếng trống. Người xem có cảm giác như đang đứng giữa trận tuyến, không gian như vang vọng hồn thiêng sông núi, và được trở về với lịch sử, chứng kiến một thế trận thần tốc, táo bạo. Tiếng trống như giục giã, như thôi thúc, người xem có thể bị kích động và sẵn sàng xông lên sống mái.

Ngày nay, đi dự lễ hội tết Đống Đa đối với người dân đất võ đã trở thành niềm tự hào và cũng là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân

Lễ hội đổ giàn An Thái, thị xã An Nhơn

Ngày rằm tháng 7 (âm lịch), nhân dân ở nhiều vùng nô nức rủ nhau về An Thái (An Nhơn, Bình Định) xem hội đổ giàn: Một chú heo quay để ở giữa đài cao, nhóm võ sĩ làng nào giật được coi như làng đó thắng cuộc. Đổ giàn là một lễ hội văn hóa đặc sắc của miền đất võ Bình Định. Sau gần 60 năm "tuyệt tích giang hồ", từ năm 2005, cùng với chủ trương Bảo tồn văn hóa dân tộc, Bình Định cho khôi phục lại hội đổ giàn.

Tranh heo trong Lễ hội đổ giàn.

An Thái (thuộc xã Nhơn Phúc, An Nhơn) là mảnh đất ven sông Côn, từng nổi tiếng là một trong những cái nôi võ Bình Định. Từ bờ bên này, chỉ sau vài phút đi đò, là đã qua bên An Vinh (thuộc huyện Tây Sơn) - một địa danh cũng lừng lẫy về võ nghệ. Ngày đó, những người Hoa "phản Thanh phục Minh" trôi dạt đến vùng đất ven sông này sinh sống đan xen với cộng đồng người Việt, đã làm cho đời sống văn hóa, trong đó có võ thuật, ở đây thêm phong phú.

Hội đổ giàn được khởi xướng từ một số dòng họ người Hoa. Chùa Ngũ Bang Hội Quán là nơi diễn ra lễ hội đổ giàn, từ ngày rằm đến 16 và 17 tháng 7 âm lịch, cứ 4 năm tổ chức một lần (cũng giống như… World Cup vậy). Giàn là một cái đàn cúng cao khoảng mười mét, bằng tre, gỗ. Trên đó đặt đàn cúng thần gồm hương, hoa, trà, quả và một chú heo quay. Khi nghi lễ chuẩn bị kết thúc, những toán võ sĩ và những người khỏe mạnh đại diện cho các làng tiến vào, sẵn sàng trong tư thế lao lên, vác heo quay rồi… phóng chạy. "Xô giàn" - khi vị chủ tế hô lên, cuộc tranh tài bắt đầu. Các võ sĩ tài nghệ cao, phi thân lên giàn tìm cách cướp lấy chú heo quay. Sau đó phải luồn lách, lao ra khỏi đám đông, mang chú heo quay chạy về địa điểm an toàn đã định. Để giật được chú heo, các toán tranh tài cũng đã có sự phân công người trước, người sau, người bảo vệ, người "cản địa" để ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại ngay trên tay.

Theo tục lệ, chú heo quay chiến lợi phẩm sẽ được đem xẻ ra để khao chung cho tất cả những võ sĩ cùng có mặt trong cuộc tranh tài. Những võ sĩ, hay làng võ có người giành được phần thắng được mọi người hoan nghênh và nể trọng và họ tin rằng năm ấy họ sẽ gặp hên vì được "lộc của thần". Thường thì những lò võ ở An Thái và An Vinh hay giành được chiến thắng. Vì vậy mới có câu:

Tiếng đồn An Thái, Bình Khê

Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo.

Hội đổ giàn không chỉ là một cuộc tranh tài lý thú và hấp dẫn, mà còn là nét văn hóa đặc sắc của một vùng quê giàu tinh thần thượng võ. Trong những ngày diễn ra hội đổ giàn, còn có nhiều hoạt động phong phú khác. Theo các cụ cao niên ở An Thái, hội đổ giàn lần nào cũng kèm theo hát bội, phóng sanh, múa lân… Những ngày đó, nhà nào ở An Thái cũng treo đèn kết hoa, trống giong cờ mở rộn rã suốt ngày đêm. Ở Bình Định vẫn còn lưu truyền câu ca mô tả về hội đổ giàn:

Đồn rằng An Thái, chùa Bà

Làm chay, hát bội đông đà quá đông

Đàn bà cho chí đàn ông,

Xem xong ba Ngọ, lại trông đổ giàn.

Giờ đây, lễ hội này đã được khôi phục theo định kỳ, cứ 5 năm tổ chức một lần. Đó là một tin vui đối với những ai yêu mến miền đất võ Bình Định, để đến rằm tháng 7 "lại trông đổ giàn".

Lễ hội Xuân chợ Gò

Làng nghề thuộc thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, là làng có truyền thống làm rèn cách đây 300 năm. Cụ tổ là Đào Giã Tượng mang nghề từ phương Bắc vào truyền cho dân địa phương. Hằng năm, để nhớ ơn người khai sinh làng Rèn, người Tây Phương Danh tổ chức Lễ hội làng rèn vào ngày 12 tháng 2 âm lịch. Lễ hội quy tụ những thợ rèn ở địa phương và các nơi khác đến. 

Đoàn tuồng xã Phước An biểu diễn trích đoạn tuồng “ Chào xuân".

Hội Xuân chợ Gò nhóm họp mỗi năm một lần vào sáng mồng một tết tại chợ Gò thuộc thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, Bình Định. Trong tâm thức của người dân Tuy Phước nói riêng và người Bình Định nói chung, hội xuân Chợ Gò là nơi vui chơi, cầu lộc trong ngày đầu năm mới.

Trời rạng sáng, chợ bắt đầu nhóm họp. Người dân từ các vùng phụ cận mang đến những sản vật từ địa phương của mình. Nhưng nhiều nhất vẫn là trầu cau. Việc mua - bán không nặng tính kinh doanh. Người bán không nói thách và người mua cũng không trả giá mà chỉ xem việc mua bán như một hình thức cầu lộc, tìm thấy niềm vui nho nhỏ cho mình trong ngày đầu năm mới.

Bên cạnh việc mua bán cầu lộc, người đến chợ còn được thưởng thức các món đặc sản ẩm thực địa phương như chả cá, nem chua, bánh ít lá gai… và tham gia các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống của đất và người Bình Định như: hô bài chòi, lô tô, đánh cờ người, múa lân… Trưa tròn bóng nắng thì chợ tan. Không hẹn mà rằng: ngày đầu năm sau sẽ gặp lại.

Sản vật  trầu cau lấy lộc đầu năm tại chợ Gò.

Theo các bậc cao niên thì Hội xuân chợ Gò xuất phát từ thời Tây Sơn. Quân Tây Sơn khi ấy đóng quân án ngữ khu vực này, ngày Tết sợ quân lính buồn, nhớ nhà nên vua cho mở hội chợ Gò để nhân dân và quân sĩ vui chơi…

 Trải qua gần 300 năm tồn tại, đến nay Lễ hội Chợ Gò cơ bản vẫn giữ được nét truyền thống vốn có và có chiều hướng phát triển phong phú hơn; bên cạnh các hàng quán ăn uống phục vụ cho người trẩy hội, nhân dân địa phương vẫn duy trì việc đem bán các loại hàng hóa, tạp phẩm tự sản, tự tiêu, nông thô sản và thực phẩm tươi sống hải sản các loại để phục vụ cúng kính, ăn uống trong ba ngày tết. Du khách về dự hội chợ Gò có dịp mua nhiều món quà mang ý nghĩa trao nhau chút lộc đầu xuân, mong trong năm được nhiều may mắn. Cùng chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới an khang, thịnh vượng.

Lễ Hội làng Rèn Tây Phương Danh

Để nhớ ơn người khai sinh ra nghề rèn trên đất này, hằng năm, người dân Tây Phương Danh đã đồng tâm hợp lực tổ chức một lễ hội gọi là Lễ hội làng rèn, kéo dài suốt 3 ngày kể từ ngày 12-2 âm lịch! Lễ hội này không những quy tụ những hộ đang hành nghề tại địa phương mà còn lôi cuốn cả những người đang hành nghề rèn trên toàn tỉnh. Ngoài ra lễ hội còn thu hút sự tham gia của những nghề có liên quan đến nghề rèn như nghề sắt. Có nhiều hộ đã mang nghề truyền thống của làng mình đi lập nghiệp phương xa cũng không bỏ lỡ dịp này, sắp xếp về quê để kịp trẩy hội cùng bà con. 

Ảnh Ban Lễ bái Tổ sư nghề rèn. Người mặc áo dài đỏ hoa vàng là chánh bái.

Đúng 4 giờ sáng ngày 12-2 âm lịch, các vị bô lão trong làng nghề trang trọng trong những bộ lễ phục truyền thống với sự có mặt của hàng ngàn người dân trong nghề, tất cả đều trang nghiêm đứng trước bàn thờ Tổ và các bậc tiền hiền khai sinh ra nghề, đồng thanh khấn nguyện cho quốc thái dân an, bày tỏ lòng biết ơn của những thế hệ được thừa hưởng nghề đối với tiền nhân và cầu xin cho sự phồn vinh luôn ưu ái với nghề rèn. Sau đó, cả một vùng nông thôn tưng bừng hẳn lên trong suốt 3 ngày đêm với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi như: Hát bộ truyền thống, các trò chơi dân gian (kéo co, đập ấm...) và các chương trình văn nghệ quần chúng của lực lượng thanh niên.

 Về Phương Danh trong những ngày diễn ra lễ hội, khách thăm sẽ được nhìn thấy một vùng quê rạng rỡ với những con đường làng được dọn dẹp phong quang, tất cả mọi căn nhà đều tinh tươm, nam thanh nữ tú với những bộ trang phục đẹp rộn ràng khắp các nẻo đường đi trẩy hội. Và đặc biệt, nhà nào cũng hương khói ấm áp tưởng nhớ cụ tổ của nghề rèn. Từ năm 2003, ngành Văn hóa tỉnh đã đầu tư kinh phí cho làng rèn cũng như hướng dẫn cách tổ chức lễ hội nên từ đó đến nay những hoạt động của lễ hội đã diễn ra quy mô hơn.

Lễ hội Đô thị Nước mặn

Lễ hội Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời rất sớm ở Bình Định, từ cách đây gần 4 thế kỷ, Lễ hội được tổ chức tại chùa Bà, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Lễ hội được tổ chức hàng năm từ mồng 1-3 tháng 2 Âm lịch. Lễ hội Đô thị Nước mặn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh

Lễ hội Đô thị nước mặn.

Khoảng 400 năm trước, khu vực thôn An Hòa là cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất. Người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến di cư sang mở phố buôn bán. Lễ hội Nước Mặn ra đời và được tổ chức ở chùa Bà vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn vinh, vừa thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt - Hoa khi biên giới Đại Việt mới tới núi Đá Bia (Đèo Cả - Phú Yên), và cứ thế duy trì, phát triển, thăng trầm theo nhịp sống của cảng thị này.  

Cho đến ngày nay, tuy cảng thị đã suy tàn, biến dạng thành một vùng quê yên tĩnh nhưng chùa Bà vẫn còn, lễ hội Nước Mặn vẫn còn như một hoài niệm về một đô thị thương cảng đã từng là trung tâm thương mại, văn hóa một thời của Bình Định, là biểu tượng của tình giao hữu cùng người Việt lập chùa Ông (Quan Thánh đế miếu) và chùa Bà (Thiên Hậu miếu) để thờ cúng. Chùa Bà là nơi thờ Thiên hậu thánh mẫu - một nhân vật huyền thoại, thường cứu vớt tàu thuyền gặp nạn. Tục thờ Thiên Hậu của người Hoa hòa nhập với tục thờ Mẫu của người Việt chính là linh hồn của Lễ hội Nước Mặn. Điểm đặc biệt của Lễ hội là người dân ở đây thắp đèn lồng vào các ngày lễ, các nhà đều chuẩn bị đồ ăn thức uống trong nhà để sẵn sàng chào đón khách thập phương đến với lễ hội và xem đây như Tết thứ hai trong năm. 

Thờ Thiên hậu Thánh mẫu.

Cùng với hình bóng cảng thị, màu sắc cổ truyền của lễ hội Nước Mặn đã phai nhạt đi nhiều qua bao biến động lịch sử theo năm tháng. Từ một vùng sình lầy, nước biển theo sông rạch dâng lên thường ngày đã được con người bao đời khai phá, dựng xây thành một cảng thị sầm uất. Sông bồi, biển lấp, Nước Mặn không có cái may mắn như Hội An vẫn giữ được hình hài thuở trước. Cho nên lễ hội Nước Mặn như là hồi ức về một đô thị thương cảng lớn nhất phủ Quy Nhơn thuở trước đã suy tàn, hóa thân thành thành phố biển Quy Nhơn tỉnh Bình Định ngày nay.

Lễ hội cầu ngư ở Bình Định 

Ở Bình Định, ngoài các lễ hội miền xuôi hay miền núi còn có ngày hội cầu ngư của nhân dân các xã ven biển. Tồn tại từ lâu đời, lễ hội cầu ngư là nét đẹp văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo của ngư dân. Nó phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú và những tín ngưỡng mang màu sắc huyền bí trên sóng nước.

Đoàn tàu đánh cá tiến ra cửa biển rước thuỷ thần.

Từ lễ hội cầu ngư

Xuất phát từ cuộc sống lênh đênh sóng gió, luôn phải đối chọi với bão tố, phong ba bằng những phương tiện thô sơ thiếu thốn, người dân vùng biển đành phải tin vào cõi thần linh. Hằng năm, họ tổ chức lễ cầu ngư, cúng "ông Nam Hải" hay cá voi để cầu xin cho trời yên bể lặng, tàu thuyền ra khơi vào lộng được nhiều tôm cá. Vì luôn  phải đối mặt vời những tai họa bất ngờ ập đến, người dân vùng biển thường tin vào những thế lực siêu hình, cho nên lễ cầu ngư còn để cầu mong thủy thần, những người chết sông, chết biển phù hộ cho họ.

Lễ hội cầu ngư thường được tổ chức ở lăng thờ cá voi vào dịp mùa xuân. Đây là nơi cải táng hài cốt của cá voi (cá ông) chết trôi dạt vào bờ. Ở Quy Nhơn có lăng thờ ông Nam Hải thuộc phường Trần Phú được xây dựng để khói hương, thờ cúng thần biển. Ở cửa biển Đề Gi, xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) cũng có lăng thờ lớn, tập trung gần 100 bộ xương cá voi bày trang trọng trong các quách để thờ cúng.

Lễ hội cầu ngư thường được tiến hành theo hai phần là: Lễ nghinh (đưa linh), tức là rước hồn các "Đức ông" cùng những người chết sông chết biển về nơi yên nghỉ. Tiếp theo là phần khởi ca với nhiều hoạt động vui chơi như múa hát, đua thuyền, thi bơi... Các hoạt động ở phần này phản ánh những sinh hoạt, lao động của ngư dân trên trên sóng nước.

Và bả trạo

Nét đặc sắc trong lễ hội cầu ngư là loại hình múa hát bả trạo. Bả trạo như một hoạt cảnh múa hát, thể hiện những sinh hoạt, lao động của ngư dân như: chèo thuyền, kéo lưới hoặc đặc tả cảnh đưa linh của một đoàn thuyền chuyên chở những linh hồn oan uổng đến cõi siêu linh.

Một cảnh múa hát bá trạo trong Lễ hội cầu ngư.

Đội bả trạo thường từ 8 đến 16 người, có nơi 12 đến 18 người, trang phục theo lối nghi lễ cổ và 3 vị chỉ huy gồm: tổng mũi, tổng khoan (tổng trung) và tổng lái. Mở đầu lễ hội là một đoạn múa chèo thuyền. Sau khi được lệnh của tổng lái, các tay chèo cùng nhảy bước một, từ một hàng thành hai hàng, rồi chuyển thành 4 hàng dọc. Tiếp đó họ quỳ lạy 3 lạy và bắt đầu day mái chèo. Từ động tác này, ba vị chỉ huy hát theo các điệu tẩu mã, nói lối hoặc hát khách, hát nam. Các con trạo (bạn chèo) thỉnh thoảng phụ họa theo, hoặc lặp lại một đoạn của các vai tuồng. Đối với chèo đưa linh, lời hát thường là những câu cầu siêu, mang tính huyền ảo như "Hò hò đưa linh":

Đưa linh phản hồi

Ai đem chiếc thuyền loan qua bể Bắc

Không cho chim nhạn đậu chốn non đoài...

Hoặc như:

... Mau chỉnh tu bát nhã từ thuyền

Đưa âm linh chớ có nại phiền

Qua khổ ải đặng thoát vòng nghịch kiếp

Thông thường, nội dung các bài hát ở phần đưa linh mang nhiều tính nhân đạo, thể hiện sự cảm thông, thương xót đối với những người vì tai họa bất ngờ phải bỏ mình giữa biển.

Từ động tác bơi chải trong ngày hội đua thuyền đến động tác chèo đưa linh trong hát múa bả trạo, tuy vẫn còn giữ đạo cụ là mái chèo, nhưng đã được cách điệu và thay đổi cho phù hợp với nội dung điệu múa. Nếu trong bơi đua, động tác phải khỏe, nhanh nhẹn, thì trong đưa linh, nó cần chậm rãi, kính cẩn và nhẹ nhàng.

Ở phần khởi ca, vì mang tính chất là một hoạt cảnh, nên buổi múa hát bả trạo diễn ra đầy đủ một quá trình đi biển từ lúc dong thuyền ra khơi cho đến lúc trở về. Trong suốt quá trình đó, đoàn chèo có lúc phải đối chọi với bão tố, hoặc lúc biển lặng thì buông câu, kéo lưới... Những động tác này gợi cho người xem cảm giác thân thuộc và lòng yêu thương gắn bó với biển giã, với nghề nghiệp. Người xem hồi hộp theo nhịp điệu lao động căng thẳng:

Ủa lạ, trời giông nên mới chớp lòa

nhìn biển lặng phút đâu đà nổi sóng

bớ đà trưởng, giông! Giông! Bớ đà trưởng.

Từ cách nói lối phù hợp với nhịp điệu khẩn trương chuyển sang sự bình tĩnh khi đã làm chủ tay chèo lúc trời yên biển lặn với điệu vè:

Linh đinh sóng gió dập dồi

rày sông mai biển mấy hồi gian nan

gian nan nhiều đàn lao lực

thẳng tợ đờn chín khúc quặn đau...

Như vậy, nội dung của hát múa bả trạo không chỉ thuần túy cầu siêu, đưa linh mà còn là một bài ca nghề nghiệp. Đặc điểm này còn được thể hiện ở cách trang phục và múa hát theo kiểu hát tuồng của các vai tổng mũi, tổng lái và các tay chèo trong hát múa bả trạo.

Có thể nói, đến nay, lễ hội cầu ngư cũng như loại hình hát múa bả trạo đã tìm được một vị trí xứng đáng trong nền văn hóa dân tộc. Bỡi trải bao thăng trầm của thời gian và thử thách, những gì còn lại thường là cái tinh túy, đáng được bảo dưỡng, trân trọng.

Lễ hội đâm trâu mừng nhà rông mới

Đâm trâu để ăn mừng lúa mới, ăn mừng khánh thành nhà rông… là lễ hội vui tươi, đặc trưng của các làng đồng bào Dân tộc thiểu số của miền núi Bình Định, cũng như khu vực Tây Nguyên với các lễ tục được duy trì. Sau đây là một số hình ảnh sinh động về lễ hội đâm trâu mừng nhà rông mới của đồng bào Ba na tại làng K8 (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh). 

Nhà rông làng K8 vừa mới khánh thành.

Con trâu được những thanh niên khỏe nhất làng đưa vào gưng.

Trai gái trong làng hát múa quanh con trâu suốt đêm.

Các cô gái trong làng chuẩn bị trang phục cho hát múa trong dịp lễ.

Mọi người múa hát và đánh cồng chiêng quanh cây nêu.

Khi già làng thông báo nghi thức đâm trâu bắt đầu, người khỏe nhất trong làng khai nhát dao đầu tiên.

Chủ đề liên quan