Thăm xứ hoa vàng cỏ xanh nghe huyền thoại tháp – đá
Bên chân tháp nghe chuyện ngôi đền thiêng giữa biển
Lẩn thẩn đi bộ ngược con dốc cao cao để đến tháp Nhạn, trong nắng chiều vương vương, màu đỏ sẫm của tháp in hẳn trên nền trời xanh, trong cơn gió rì rào, tiếng chim ríu rít làm tâm hồn chợt nhẹ hẳn. Sau khi chụp vài bức ảnh, tôi bước vào bên trong đền chiêm ngắm.
Chắc có một cơ duyên, hôm ấy có một người đàn ông khá già, trang phục Champa đến thắp hương cầu thần vô cùng sùng kính. Sau màn chào hỏi, tôi khá bất ngờ khi nghe ông chậm rãi kể:
Ngôi Tháp này được các người dân tộc như Ê Đê, Jrai gọi là KơHmeng tức là đền thiêng của người Champa. Theo các nhà nghiên cứu, tháp được cư dân Champa xây dựng vào cuối thế kỷ 11 để thờ tự Thánh mẫu Thiên Y A Na .
Căn cứ theo lời truyền khẩu của các vị chức sắc từng trông nom KơHmeng kể lại, thuở xa xưa, khu vực này là biển xanh , trong đó có một ngọn núi nhô lên từ lòng biển, trên đảo có cây cối xanh tươi, nên các loài thú nhỏ và chim muông về tụ họp rất nhiều, các ngư dân quanh vùng thi thoảng ghé vào đảo lượm trứng và hái trái, cứ tưởng cuộc sống sẽ bình an mãi như vậy.
Có một lần, các cư dân bỗng thấy chim bay thành đàn quanh núi và kêu la chíu chít, khi chèo thuyền ra xem, người ta nhìn thấy có một con tàu lạ bị đắm, xác tàu dạt lên đảo và quanh đó là những xác người nằm rải rác.
Quá xót thương, vị già làng bèn kêu gọi mọi người chôn cất các nạn nhân nằm dọc theo đảo. Để ghi dấu, họ đặt mỗi ngôi mộ là một viên đá vào đầu mộ rồi quay về.
Tuy nhiên sau vài ngày, người ta lại thấy chim nhạn bay tròn trên trời và kêu xào xạc, vậy là một con thuyền lại được dong ra. Tới nơi, mọi người cùng bật ngửa khi thấy một con thuyền lâm nạn khác.
Lặng lẽ chôn cất các mảnh đời xấu số, vị trưởng làng lên núi quỳ gối cầu nguyện. Trong một giấc mơ , ông nhìn thấy Thiên Y A Na hạ phàm cho biết : Những ngư dân này bi đắm tàu và trôi lạc trên biển. Thương cảnh khổ của dân, ta đã đưa họ về đây để các người giúp đỡ thân xác họ được bình an. Nay, ta truyền lệnh các người hãy xây một ngọn tháp trên đảo này. Ban đêm hãy thắp đèn để các vong linh hướng về tháp. Hãy làm các nghi lễ cầu khấn. Trong nghi lễ này, ta sẽ đưa họ về chốn thiêng. Việc làm các người sẽ được ghi công khi giúp linh hồn đang bơ vơ trong biển lạnh tối.
Tin tưởng vị già làng truyền lại lời dạy của Thiên Y A Na, các cư dân Champa đã tiến hành xây ngôi tháp trên đảo này. Sau vài thế kỷ đi qua, dòng phù sa của sông Đà rằng dần bồi đắp thành một cánh đồng rộng lớn. Vậy là hòn đảo nhỏ có ngôi đền giữa biển bỗng lọt thỏm vào đất liền và ngôi tháp từng rợp trời những cánh chim xào xạc được cư dân Việt quen gọi là tháp Nhạn , riêng cái tên cổ KơHmeng đã trôi xa trong trí nhớ.
Có đến tháp Nhạn, tôi cảm nhận : So với những ngôi tháp Chăm hiện hữu ở Ninh Thuận hoặc Khánh Hòa. Điểm dễ nhận thấy là các tháp đều có hình dáng khá giống nhau với cấu trúc tháp có hình chóp vuông cững chắc , thông thường các tháp đều cao 25m , bao gồm 4 tầng và thu nhỏ dần khi lên đỉnh.
Cho tới bây giờ các nhà khảo cô vẫn không hiểu Người Champa cổ đã dùng chất liệu gì để kết dính các viên gạch lại với nhau. Tuy nhiên, tháp Nhạn được xem là ngôi đền độc nhất được xây giữa biển đông. Có tài liệu cho rằng Tháp mang nhiệm vụ là một thủy hỏa đài, báo tin cho quân đội champa thời ấy.
Về mặt tâm linh thì các vị trưởng lão lại quả quyết : tháp là nơi soi rọi ánh đèn thiêng, dẫn dắt các linh hồn trôi dạt trong biển lạnh để biết đường về nhà. Sau đó các vị già làng sẽ làm nghi thức cúng tế để gửi linh hồn họ trong tay Thiên Y A Na , bà mẹ cao cả nhất của dân tộc Champa, bởi họ tin rằng dù sinh hay tử , khi được trở về trong vòng tay mẹ chở che thì linh hồn sẽ muôn đời bất diệt.
Giã từ tháp Nhạn- ghé thăm gành đá đĩa
Tạm biệt cụ già người Chăm có giọng nói lơ lớ làm tôi phải lắng nghe thật nhiều mới kịp hiểu những gì ông kể. Lẩn thẩn chụp vài bức ảnh của ngôi tháp buồn vắng yên lặng trong nắng thu, nhìn dòng sông Đà Rằng lặng lẽ dòng nước trôi xuôi. Sau vài giây ngần ngừ, tôi quyết định đi tìm An Ninh Đông - địa danh thuộc huyện Tuy An- tại thôn này nổi tiếng bởi sở hữu thắng tích Gành đá đĩa – địa chỉ vừa được ghi nhận là thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng quê Việt. Đặc biệt , An Ninh Đông còn tạo hấp lực , gây tò mò cho các du khách bởi nơi này còn sở hữu di sản văn hóa đá rất độc đáo. Trong đó, nổi bật hơn cả chính là những viên đá ‘hát”.
So với gành đá đĩa nổi tiếng ở đảo Jeju. Mọi du khách đều nhận định gành đá đĩa quê Việt thật độc đáo. Có thể nói, thắng cảnh tuyệt đẹp này là một dấu ấn minh chứng, gành đá đĩa được hình thành bởi một cuộc phun trào núi lửa cách đây hơn 200 triệu năm trước.
Qua khảo cứu các nhà địa chất học tin rằng : Thuở ấy khu vực núi lửa hoạt động cách bãi biển này chừng 30km ở phía tây, nay là cao nguyên Vân Hòa. Khi nham thạch di chuyển chảy dài ra biển, bất ngờ bị nước biển lạnh phun vào, dòng nham thạch bị lạnh đột ngột, chúng đông cứng lại thành những hình trụ.
Theo thời gian, các khối trụ này bị rạn nứt và tách thành mạch để tạo thành hình lục giác, đã vậy nước biển mặn ngày đêm vồ vập bao quanh đã ngấm vào đá và tách đá thành những chiếc đĩa khổng lồ, nằm chồng úp lên nhau. Hình ảnh lạ lẫm này đã hút hồn du khách bởi ngắm gành theo từng thời điểm bình minh hay hoàng hôn, mưa phùn hay nắng gắt, khung cảnh của gành sẽ tặng cho bạn nhiều cảm xúc khác nhau từ những góc nhìn lạ lẫm.
Trở lại lần này, dường như mọi thứ đều được đầu tư khang trang : từ cổng chào, bãi giữ xe , nhà vệ sinh và khu ăn uống, quà lưu niệm cho khách cũng được sắp xếp hài hòa. Đặc biệt, người bán hàng nơi đây không hề chèo kéo, gây phiền cho du khách.
Thăm gành, khách mượn nón đội đỡ nắng và người dân chỉ mời khách nếu được thì uống nước mía hỗ trợ ngoài ra không có một lời cằn nhằn hay làm khó dễ cho du khách. Hình ảnh này đã tạo cho du khách một cảm xúc trân quý bởi sự thân thiện , hiền lành của cư dân địa phương mới chính là điểm son để thu hút mọi người cùng hẹn sẽ luôn quay lại Phú Yên nhiều lần trong thời gian tới.
Lang Thang Tuy An – đi tìm vùng đất của làng văn hóa đá
Bon bon trên con đường gió thổi vùn vụt qua mặt, hồi ức xưa trở lại bởi ẩn hiện trong trí về một vùng đất mang tên Kimi mà ông nội từng kể. Qua khảo cứu, các nhà khảo cổ nhận định Kimi chính là Phú Yên ngày nay. Chúng được kéo dài và bao bọc bởi hai đèo Cù Mông và đèo Cả làm ranh giới giữa Champa và Đại Việt. Riêng cái tên Kimi, ban đầu tôi nghĩ đó là một địa danh Nhật Bản nhưng qua tìm hiểu, trong tiếng Champa, Kimi có nghĩa là vùng đệm. là hậu cứ vững chắc cho đại bản doanh một thời rất rực rỡ của Champa vương quốc. Đặc biệt tại Cổ thành Ayaru (nay chính là Tuy An) , từng tồn tại một di sản đá rất quý hiếm và độc đáo, đó chính là các ngôi làng được xếp bằng đá trong mọi hoạt động từ nhà ở, khu nuôi gia súc, mồ mả, giếng nước, tường thành.
Vào năm 1611, thừa lệnh Chúa Nguyễn Hoàng, vị tướng Văn Phong đã tấn công vào thủ phủ Ayaru và toàn thắng vẻ vang. Lúc bấy giờ trong tinh thần vênh vang thắng trận, quân binh ta đã phá hủy, san bằng nhiều công trình bằng đá của cư dân Champa. Ngày nay, khi trở lại tìm kiếm các công trình xưa, các nhà khảo cổ nhận thấy : Tất cả đã tan hoang, chỉ sót vài di tích đọng lại nơi các chuồng nuôi gia súc cùng những nấm mồ buồn hoang lạnh lẽo.
Nếu ai đam mê văn hóa Champa, khi được trải nghiệm nhìn ngắm các di sản đá của họ đều bái phục vì không hiểu sao từ hàng ngàn năm trước, người Chămpa đã sáng tạo , để lại cho đời những di sản đá vô cùng rực rỡ : Các kiến trúc ấy được thể hiện qua những linh vật, phù điêu, bức vẽ chạm khắc. Hầu hết, chúng bài trí trong các ngôi đền tháp, lăng mộ thật trang trọng.
Cũng tại Ayaru xưa, cư dân còn tìm thấy “đá hát”. Đó chính là những thanh đá khi gõ vào chúng tạo nên những âm điệu trong vắt như chuông hay âm trầm như tiếng thở. Khi thẩm tra những thanh đá này, các nghệ nhân xưa đã biến chúng thành bộ đàn đá độc đáo có một không hai để dùng khi hội hè, cúng tế. Từ đó, đàn đá còn được các cư dân Tây Nguyên biết tới và họ đem gia súc , cồng chiêng và sản vật quý của rừng để đem đá về cúng tế thần linh. Với âm thanh chuẩn mực, đàn đá Tuy An đã vinh dự khi được ghi nhận là bậc nhất của quê Việt.
Theo thời gian, các công trình bằng đá đã bị sạt lở và bị phá hủy rất nhiều. E rằng trong tương lai gần, nếu không có một dự án bảo tồn thì dấu tích làng đá Tuy An sẽ chìm vào quên lãng nếu bị phá hủy cho các kiến trúc beton mọc lên nhan nhản.
Chụp nhanh vài bức ảnh khu chuồng bò bằng đá rất vững chắc, tôi ngẩn ngơ ngắm khung cảnh biển cả dạt dào sóng bạc, trong tiếng vọng ầm ì, gành đá đĩa trông như một tổ ong khổng lồ sẫm màu đen tuyền đang trào phun những luồng mật sùi bọt trắng xóa .
Thăm Quảng Đức Xưa - Chút tình đọng lại
Quay xe trở lại Phú Yên, chừng mươi phút sau, hình ảnh một cổng chào tam quan với hình ảnh thuần Việt mang tên Quảng Đức Xưa lọt vào tầm mắt. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi ghé vào thăm để tìm kiếm vài lưu ký cho bản thân khi chiêm ngắm công trình này.
Bước qua cổng gạch với hàng cột gỗ lên nước đen tuyền bóng loáng, hình ảnh hàng cau kiểng chi chít buồng trái đỏ làm duyên, rồi khu vườn hoa điểm xuyết những chiếc lồng đèn Hội An rung rinh theo gió. Kia là một đằng ngà vàng rực che mát những cụm tiểu cảnh được bài trí rải rác trong vườn. Đập vào mắt, hình ảnh hai ngôi nhà cổ được bày biện vén khéo với các đồ vật như : chum- vại -chóe Quảng Đức, chiêng trống, vật dụng làm nông, vật dụng gia đình kiêm những cổ vật thờ cúng . Tất cả đều được chưng bày chăm chút và tỉ mỉ.
Mời tôi ly trà pha trộn cùng trầm tỏa hương dìu dịu. Cường - vị chủ nhân của ngôi nhà chia sẻ : Tôi đặt tên cho khu vườn này là Quảng Đức Xưa bởi khuôn viên này gói gọn một câu chuyện. Vài thế kỷ trước nơi đây chính là làng Quảng Đức. Ngôi làng này đã chia con sông Kỳ Lộ thành hai nhánh đổ ra vịnh Xuân Đài và đầm Ô Loan. Cách đây vài cây số, còn có khu rừng cổ thụ Mằng Lăng. Đặc biệt, vùng đất này sở hữu loại đất sét mịn màng và sò huyết Ô Loan nổi tiếng.
Cuối thế kỷ 18, các nghệ nhân tài hoa trong làng đã dùng ba loại nguyên liệu này để chế tác nên dòng gốm đặc biệt. Từ đó, gốm Quảng Đức mộc mạc, thô ráp nhưng có sức thu hút kỳ lạ đối với người thưởng ngoạn. Ngày nay, để phục dựng các loại loại gốm này, các nghệ nhân đều lắc đầu vì nguồn nguyên liệu đã cạn kiệt. Vì thế, chỉ còn vài tác phẩm được lưu giữ ở Quảng Đức Xưa, nó minh chứng một giai thoại tinh xảo của các nghệ nhân quê Việt.
Trong khu vườn xanh rợp bóng cây hôm nay, những trái xoài căng mọng lúc lỉu, chúng rung rinh làm mọi người thèm nhỏ dãi. Ngắm các công trình đá thiên nhiên mà Cường chỉn chu, sắp xếp làm tiểu cảnh, xen lẫn trong vườn cảnh là hồ sen, đầm súng, rồi đàn cá cảnh vẫy đuôi như chào khách phương xa.
Bên ly trà nồng thơm, chiếc bánh lá gai ngọt bùi làm mọi người cứ say lòng, không muốn ra về dù nắng chiều đang dần lịm tắt chợt nhận ra : Quê Việt luôn lưu trữ nhiều di sản, Có lẽ do tâm trí còn hời hợt, tôi vẫn chưa kịp hiểu để trân trọng các kho tàng quý giá của nhân gian
Dương Thủy (Tạp chí du lịch Việt Nam)