CẨM NANG DU LỊCH BÌNH ĐỊNH TỪ A ĐẾN Z
Du lịch Bình Định với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nhiều đặc sản hấp dẫn sẽ là điểm dừng chân thú vị cho du khách muốn tránh xa những nơi ồn ào, đông đúc.
1. Tổng quan
- Diện tích: 6.024,4 km²
- Dân số: 1.485.943 người (2009)
- Tỉnh lỵ: thành phố Qui Nhơn
- Các huyện: An Lão, An nhơn, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh.
- Dân tộc: Kinh, Chăm, Ba Na, Hrê…
- Địa giới: Bình Định là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi với đường ranh giới chung 63km, phía Nam giáp tỉnh Phú Ỵên với đường ranh giới chung 50km, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai có đường ranh giới chung 130 km, phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 134km.
- Giao thông: Bình Định có hệ thống giao thông khá thuận tiện với tuyến quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam chạy dọc theo chiều dài của tỉnh. Quốc lộ 19 được xem là một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây nguyên và vùng Nam Lào.
Ga hàng không nằm tại huyện Phù Cát cách trung tâm thành phố 30km, có các chuyến bay nối Qui nhơn với Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
- Cự ly đường bộ từ Qui Nhơn đi: Hà Nội (1.081km) – Pleiku (170km) – Quảng ngãi (199km) – Đà Nẵng (324km) – Huế (427km) – Nha Trang (235km) – TP.HCM 642km)…
- Điểm du lịch tiêu biểu: Điện thờ Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung, thành Hoàng Đế, quần thể di tích tháp Chăm cổ, Gành Ráng Tiên Sa và khu mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử, bán đảo Phương Mai - Thị Nại, bãi tắm Hoàng Hậu, suối nước nóng Hội Vân, thắng cảnh Hầm Hô, hồ Núi Một, suối Tiên, đảo Yến, động Cườm…
2. Thời điểm lý tưởng du lịch Bình Định
Từ tháng 2 đến tháng 8 là thời điểm lý tưởng để du lịch Bình Định, vì khoảng thời gian còn lại thường có bão lũ. Bạn nên chọn lịch trình đi vào đêm hôm trước để sáng sớm hôm sau đến nơi là có thể tham quan luôn.
3. Phương tiện đi du lịch Bình Định
Quy Nhơn – Bình Định thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam. Cách thủ đô Hà Nội khoảng 1.065km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 649km về phía Nam. Từ 2 thành phố lớn của cả nước đến đây bạn có thể di chuyển bằng các phương tiện sau:
4.Máy bay
Hiện từ Hà Nội và Tp.HCM các hãng Vietnam Airlines, Vietjet air… đều có khai thác chặng bay đến sân bay Phù Cát cách Quy Nhơn khoảng 30km. Mỗi ngày 2 chuyến bay từ Tp.HCM và 1 chuyến từ Hà Nội. Với giá vé dao động 470.000 – 2 triệu đồng. Thời gian di chuyển là 60 phút.
Từ sân bay Phù Cát, để tới Quy Nhơn bạn đi xe trung chuyển của Cảng hàng không Phù Cát (xe trả khách ở số 1 Nguyễn Tất Thành), thời gian đi khoảng 50 phút, phí 50 nghìn đồng/lượt hoặc bạn đi taxi, giá khoảng 400 nghìn đồng. Để tiết kiệm chi phí bạn có thể ngồi ghép với nhiều hành khách và chia đều tiền ra.
5.Tàu hỏa
Từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến Quy Nhơn – Bình Định mỗi ngày có rất nhiều chuyến tàu Bắc – Nam chạy qua địa phận tỉnh Bình Định và dừng ở ga Diêu Trì. Vì thế bạn có thể lựa chọn tàu hỏa trong cuộc hành trình đến với đất võ Bình Định. Để nắm rõ lịch trình, bạn có thể liên hệ phòng vé nơi mình đang ở để biết chính xác giờ tàu đi, tàu đến.
Ở TP.HCM bạn mất khoảng 10 tiếng đế đến Diêu Trì, từ Diêu Trì bạn đi taxi về Quy Nhơn mất chừng 30 phút, phí taxi khoảng 200 nghìn đồng + giá vé dao động từ 500 – 800 nghìn đồng tùy theo loại vé bạn mua. Từ Diêu Trì, để tiết kiệm, bạn cũng có thể thương lượng đi ghép với những hành khách khác cũng về thành phố.
6.Xe khách
Một số hãng xe chất lượng cao chạy tuyến Hà Nội – Quy Nhơn, Bình Đình và thành phố Hồ Chí Minh – Quy Nhơn
Phương tiện di chuyển tại Bình Định
Để đi lại các điểm du lịch trong thành phố Quy Nhơn bạn có thể di chuyển bằng xe bus hoặc thuê xe máy.
Cũng như các thành phố khác, đến Quy Nhơn bạn có thể thuê xe máy đi tham quan với giá 120 nghìn đồng/ngày Bạn có thể thuê xe máy trong các khách sạn để tham quan Quy Nhơn, giá khoảng 120.000 đồng một ngày. Để thuê xe bạn phải đặt CMND và tiền cọc khoảng 500 nghìn đồng.
4. Điểm hấp dẫn không thể bỏ qua khi du lịch Bình Định
Ghềnh Ráng
Khí hậu trong lành và phong cảnh hữu tình nơi đây đã được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ mát từ năm 1927. Dưới chân Ghềnh Ráng, là bãi tắm độc đáo với vô số viên đá cuội được sóng biển mài nhẵn, dành riêng cho hoàng hậu Nam Phương nên còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu. Từ trên sườn đồi có thể ngắm bao quát toàn bộ phía đông thành phố Quy Nhơn như một bức tranh thủy mặc.
Biển Quy Hòa
Nằm dọc theo con đường Quy Nhơn – Sông Cầu, biển Quy Hòa như một bức tranh thơ mộng mà thiên nhiên đã ban tặng với những bãi biển xanh ngắt, sạch đẹp, chạy dài tít tắp. Du khách có thể thỏa thích vui đùa cùng sóng nước hay chỉ mất khoảng 30 phút đi thuyền máy sang các hòn đảo ở ngoài khơi để tận hưởng không gian yên tĩnh và trong lành.
Đầm Thị Nại
Với chiều dài hơn 10 km, bề rộng khoảng 4 km, đầm Thị Nại lớn nhất Bình Định có nhiều loại thủy hải sản nổi tiếng. Trong đầm có một núi nhỏ, trên có ngôi miếu nhỏ do dân chài lập ra để thờ thủy thần, hình dáng núi tựa như một ngôi tháp cổ, gọi là tháp Thầy bói. Du khách sẽ rất thích thú khi mỗi buổi ban mai, ánh sáng trải trên những khu rừng ngập mặn khiến mặt đầm huyễn hoặc, quyến rũ.
Biển Nhơn Lý – Cát Tiến
Là một trong những bãi biển đẹp nhất Nam Trung Bộ với nhiều bãi tắm lý tưởng như Cát Tiến, Nhơn Hội, Hải Giang. Đến đây du khách có thể hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, biển cả bao la với những cồn cát, hải đảo ngập tràn gió lộng, xen vào những bãi biển lấp lánh cát vàng.
Đảo Yến
Du khách đến đây vào mùa xuân sẽ thấy hàng đàn yến rủ nhau làm tổ. Đảo Yến có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hấp dẫn bởi những hang động thiên tạo hàng vạn năm tuổi, những vòm đá có nơi cao tới cả trăm mét, lòng hang động hiểm trở, cheo leo là nơi thích hợp cho loài chim yến đến làm tổ. Trên đảo có tất cả 30 hang lớn nhỏ: hang Rừng Cao, hang Dơi, hang Ba Nghé, hang Cạn…
Tháp đôi
Tháp Đôi là tòa tháp nằm ngay trên đường Trần Hương Đạo thuộc phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, mang đậm kiến trúc Champa, gồm 2 tháp, trong đó tòa tháp phía Bắc cao 20m còn tòa tháp phía Nam cao 18m. Trải qua nhiều biến cố của thời gian, tháp đã bị tàn phá và hư hỏng nặng. Đến năm 2008 tháp được đầu tư, tu bổ lại theo đúng hình dáng và kiến trúc ban đầu. Ngày nay tháp Đôi là điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Bình Định.
Hòn Khô
Nằm cách Quy Nhơn khoảng 6 km, đảo Hòn Khô như một tấm bình phong khổng lồ che chắn cho làng chài Nhơn Hải. Trong mùa biển động, Hòn Khô đón những con sóng lớn tung bọt trắng xóa trông xa như những đóa hoa biển kỳ ảo. Mùa biển yên, Hòn Khô lại quyến rũ mời chào du khách với những bãi cỏ xanh mượt như nhung và lạch nước ngọt nứt từ vách đá. Thú vị nhất là được thăm làng chài Nhơn Hải, lặn ngắm san hô và thưởng thức những món hải sản tươi ngon.
Cù Lao Xanh
Cù Lao Xanh hay còn gọi là xã đảo Nhơn Châu là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người đất võ, cách Quy Nhơn chỉ khoảng hơn 20 km. Du khách sẽ được đắm mình trong một khoảng không gian bất tận của biển trời và đảo xanh. Vào lúc hoàng hôn, du khách sẽ được ngắm khung cảnh đẹp như tranh vẽ với những chiếc thuyền con dập dềnh trên sóng biển, tìm hiểu cuộc sống dung dị của người dân làng chài trong khung cảnh yên bình.
Mũi Vi Rồng
Mũi Vi Rồng – một ghềnh đá ngày đêm nước biển xô vào rồi trào ra như miệng rồng phun nước trắng xóa, là một thắng cảnh hấp dẫn nhiều du khách đến tham quan. Theo truyền thuyết, mũi Vi Rồng xưa kia là một khối giống vi cá chép, dân địa phương gọi là Đá Vẩy Rồng. Khi triều xuống, với quần thể những bãi đá như Bãi Bàn, Đá Dựng lô xô kỳ thú, khu vực mũi Vi Rồng trông như một con rồng đang cất mình ra biển.
Hầm Hô
Là một khúc sông dài gần 3 km, chảy qua các khu rừng già với những tảng đá lớn muôn hình muôn vẻ, Hầm Hô nổi tiếng là nhiều cá, nhất là về mùa lũ. Cá lội ngược dòng bị thác nước hất tung trở lại trông như cá bay. Dân gian truyền rằng, hàng năm Long Vương tổ chức kỳ thi cho cá tại Hầm Hô, con nào vượt qua được thác sẽ hóa rồng. Do điển tích này mà thác có tên chữ là Vũ Môn, còn dân gian gọi là thác Cá Bay.
5. Du lịch Bình Định ăn gì ‘chuẩn’ nhất?
Bánh xèo tôm nhảy – đầu cầu Mỹ Cang
Trước khi đến Bình Định, một người bạn bảo tôi: “Này, đi Bình Định chơi là phải nhớ ăn cho bằng được bánh xèo Mỹ Cang đó!”. May mắn được gặp cô bạn ấy mà tôi biết được một món tuyệt ngon tại đất này.
Ngay đầu cầu Mỹ Cang là một quán bán bánh xèo tôm nhảy khá đông đúc. Gọi một dĩa bánh xèo trong khi bụng cứ kêu réo sôi sục vì mùi thơm ngào ngạt, hấp dẫn bốc lên từ khuôn bánh, tôi hồi hộp chờ đợi để xem bánh xèo này khác gì với những loại tôi từng thưởng thức khắp tứ xứ. Và bạn biết không, đến giờ tôi vẫn còn nhớ rõ thịt tôm vừa tươi vừa ngọt trở nên ngon tuyệt cú mèo như thế nào trong thứ nước chấm được pha chế từ nước mắm nguyên chất đấy.
Bún chả cá – Nguyễn Huệ
Xứ biển với nguồn thủy hải sản dồi dào, trong đó có cá thu – một loài cá rất ngon và đắt tiền, chế biến thành món nào cũng ngon, nhất là chả cá thu – cắn thử một miếng, không nói nên lời. Nhờ phần chả cá thơm ngon mà bún chả cá Quy Nhơn nổi tiếng gần xa, dần trở thành món không-ăn-không-về của nhiều du khách khi đến xứ này.
Bánh hỏi lòng heo – gần ga Diêu Trì
Bánh hỏi lòng heo ở Bình Định ngon nhất là khu vực Diêu Trì. Tuy không có gì quá khác lạ hay đặc sắc so với một số địa phương khác nhưng đây cũng là một món đáng nhớ của Bình Định.
Bánh hỏi thường được ăn kèm với thịt nướng song nếu gọi món này ở Diêu Trì, bạn sẽ được thưởng thức thêm hai món cháo và lòng đấy.
Nem, chả, tré – Tăng Bạt Hổ
Miền Trung cũng đặc biệt nổi tiếng với món nem bởi hầu như tỉnh nào cũng sản xuất, đặc biệt rất ngon là đằng khác. Nem Bình Định có vị dai dai, sần sật, chua chua, giòn giòn. Nem tươi đã ngon, nướng với than, ăn kèm với bánh, chả ram, rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế xắt nhỏ, dưa leo, nước chấm (hoặc xì dầu) và vài múi tỏi, trái ớt càng tuyệt.
Không thể quên nếm thử món tré. Thoạt nhìn, chiếc tré như “cán chổi” nhỏ xíu. Đây là một trong những mồi nhậu của người dân bản địa khi uống rượu bầu đá. Nguyên liệu để làm nên tré là thịt tai, thịt đầu, thịt ba chỉ (heo) cùng với mè, thính, riềng, ớt, lá ổi non và tỏi.
Bún tôm – làng Châu Trúc
Ngoài bún chả cá thì bún tôm cũng là món đặc sản nức tiếng của đất Bình Định này. Tôi hoàn toàn bị ấn tượng bởi những con tôm có màu đỏ cam rất tươi, điểm tô cho sự bắt mắt của tô bún.
Nghe nói người bán phải tự tay làm bún để ăn kèm nữa đấy. Nhưng có lẽ tôi sẽ vẫn còn nhớ mãi về bún tôm nhờ vị thanh của nước dùng, ngọt của tôm, thơm của tiêu và giòn của bánh tráng
Bánh dây – Bồng Sơn
Tôi chưa từng nghe qua tên món bánh này bao giờ. May mắn là trong một buổi chiều đi dạo với bạn bè, chúng tôi được bác xe ôm giới thiệu cho món bánh dây ngồ ngộ này.
Có nguồn gốc từ thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, bánh dây được làm từ bột gạo cũ (tức gạo thu hoạch từ nhiều tháng trước). Bánh dây khi ăn cùng dầu hẹ và đậu phộng giã nhỏ, chấm nước mắm pha chua ngọt mang lại cảm giác mới lạ nhưng không hề khó ăn một chút nào
Bánh tráng nước dừa
Ngày cuối cùng ở đất Bình Định, tôi vô tình bắt gặp bánh tráng nước dừa. Là một trong những đặc sản được nhiều người yêu thích và mua về làm quà mỗi khi ghé đất võ này, bánh tráng nước dừa thoạt nhìn không khác gì với các loại bánh tráng thông thường.
Vì bánh tráng nước dừa dày nên phải nướng mới ăn được. Chiếc bánh gặp lửa, phồng lên, vàng ươm mùi hành phi quyện với mùi béo của mè, nước dừa khiến tôi chỉ muốn ăn ngay và luôn. Chỉ cần một chén xì dầu hay nước mắm gừng đơn giản để chấm bánh tráng là cũng ra một món ăn vặt ra trò rồi.
6. Dừng chân nơi đâu để trọn vẹn chuyến hành trình?
Tại Bình Định có khá nhiều khách sạn từ 2 – 3 sao cho bạn lựa chọn ngay khu vực trung tâm thành phố Quy Nhơn như Eden, Quy Nhơn, Cali, Khanh Khanh 2, Hoàng Yến 2 tiêu chuẩn 2 sao hay các khách sạn cao cấp hơn như Hoàng Yến 1 3 sao, Mường Thanh Quy Nhơn, Royal thì 4 sao.
7. Du lịch Bình Định nên mua gì làm quà ?
Rượu Bàu Đá
Đặc sản Bình Định nên mua về làm quà đầu tiên mà bạn có thể lựa chọn đem về tặng người thân là rượu Bàu Đá. Để mua rượu Bàu Đá thì bạn có thể tới bất kỳ một khu chợ hay cửa hàng đặc sản nào ở Bình Định. Nơi sản xuất ra loại rượu Bàu Đá là ở thôn Phù Lâm, xã nhân Lộc, huyện An Nhân nên nếu bạn muốn mua rượu chính gốc và nguyên chất nhất thì hãy tới địa chỉ này để mua. Giá bán của rượu Bàu Đá khá cao, một lít rượu Bàu Đá được bán ra khoảng 100k – 130k. Loại rượu này được công nhận là một trong 10 loại rượu nổi tiếng hàng đầu ở Việt Nam nên bạn đừng bỏ qua nha.
Nem chợ Huyện
Nem chợ Huyện nổi tiếng khắp Bình Định với vị chua chua cay cay cực hấp dẫn được chế biến khá công phu là món quà nên mua khi đi du lịch Quy Nhơn, Bình Định. Nem được bọc bằng lá ổi và lá chuối thành hình vuông nhỏ, bán với giá 3,5k – 4k/chiếc. Nếu bạn muốn mua nem chợ Huyện về làm quà tặng người thân thì hãy tới chợ Quy Nhơn, chợ Phù Mỹ, chợ Đầm, chợ Dinh và chợ khu 6 hoặc tới nơi làm ra nem chợ Huyện ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước.
Đồ lưu niệm và thủ công mỹ nghệ
Những món đồ được làm từ vỏ ốc, vỏ sò hay bức tranh cát của cô bé khuyết tật ở khu mộ Hàn Mặc Tử và bãi đá trứng Hoàng Hậu cũng là thứ mà khách du lịch thường xuyên lựa chọn mua về tặng người thân. Với bàn tay khéo léo của nghệ nhân tại Bình Định nên các món đồ trang sức, vòng tay, vòng cổ và chuông gió đều rất đặc sắc, đẹp mắt. Nếu bạn còn phân vân chưa biết du lịch Bình Định nên mua gì về làm quà thì đây chính là câu trả lời thích hợp nhất dành cho bạn.
Bánh hồng Tam Quan
Đặc sản bánh hồng Tam Quan được làm từ dừa và gạo nếp ngự có màu hồng nhạt hoặc trắng đục, khi ăn vừa mềm vừa thơm khiến ai ăn cũng nhớ mãi. Bánh hồng tại Bình Định được làm ở khá nhiều nơi nhưng tại thị trấn Tam Quan vẫn ngon hơn cả nên bạn có thể tới thị trấn Tam Quan để mua hoặc tới các cửa hàng đặc sản Bình Định. Lưu ý với bạn là loại đặc sản Bình Định nên mua làm quà này có hạn sử dụng không được lâu nên bạn mua về hãy ăn nhanh và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh nhé!
8. Lưu ý khác
- Những du khách đi xe máy thì nhất thiết phải có bằng lái và giấy tờ xe vì Cảnh sát giao thông kiểm tra tất cả những người đi du lịch.
Một số con đường trung tâm dọc theo biển là Nguyễn Tất Thành, An Dương Vương, Xuân Diệu,… và một số con đường chính trong thành phố là Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Hàn Mặc Tử,…
Khi đi du lich Quy Nhơn hãy nhớ mang theo áo khoác, kem chống nắng và khăn choàng vì thời tiết ở đây vào tháng 4 – tháng 9 khá là nóng.