Dịch vụ lưu trú dịp Tết Nguyên đán: Không để tăng giá bất hợp lý
Yêu cầu các tổ chức, cá nhân, DN kinh doanh cơ sở lưu trú kê khai giá; lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra về kê khai, niêm yết giá… là những giải pháp đang được các ngành chức năng triển khai nhằm kiểm soát dịch vụ lưu trú mùa cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tránh tình trạng tăng giá, bắt chẹt khách
Khách du lịch tham khảo giá phòng lưu trú Khách sạn Hải Âu
Theo quyết định ban hành vào cuối năm 2017 của UBND tỉnh, các tổ chức, cá nhân, DN kinh doanh dịch vụ lưu trú phải đăng ký, kê khai, niêm yết giá. Sở Tài chính cho biết, tính đến ngày 24.12.2018, có 149/242 tổ chức, DN đang được quản lý đã kê khai giá dịch vụ lưu trú trên hệ thống trực tuyến; 93 tổ chức, DN còn lại chưa thực hiện kê khai.
Loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú thường có sự thay đổi về giá, mùa thấp điểm thì vắng khách, còn mùa cao điểm lại “cháy” phòng. Để tạo thuận lợi cho các cơ sở, biên độ tăng, giảm giá kê khai được nới rộng từ 30 - 50%. Các đơn vị đang trong giai đoạn chốt đơn hàng, đến tháng 1.2019 thực hiện kê khai điều chỉnh tăng giá.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho hay: “Chỉ những đơn vị có kê khai tăng giá mùa cao điểm phục vụ tết thì mới được tăng giá. Những hồ sơ kê khai tăng giá vượt quá ngưỡng cho phép, phải giải trình chi tiết yếu tố cấu thành, cơ quan quản lý giá chỉ đồng ý tăng giá hợp lý và phù hợp mặt bằng chung”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dịp tết này, các cơ sở kinh doanh dự kiến mức tăng 10 - 20% giá tối đa đã được đăng ký trước đó với Sở Tài chính. Việc cơ quan nhà nước triển khai kê khai giá dịch vụ lưu trú được các cơ sở kinh doanh nghiêm túc xem là cách hiệu quả để chống phá giá, giữ chất lượng du lịch của tỉnh
Với 170 phòng lưu trú, đến nay, Khách sạn Hải Âu (Quy Nhơn) đạt công suất giữ chỗ 50% cho mùa Tết Nguyên đán. Ông Lê Hồng Quang - Phó Giám đốc khách sạn, cho hay: “Chúng tôi dự kiến sẽ tăng giá khoảng 10%”. Còn bà Phan Nữ Duyên, chủ khách sạn Phương Danh (Quy Nhơn) cho biết mức giá tăng sẽ được kê khai lại với cơ quan quản lý giá, cập nhật trên sơ đồ phòng và niêm yết ngay tại quầy lễ tân của cơ sở, thời gian dự tính tăng từ 25 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch, ông Huỳnh Cao Nhất, số phòng lưu trú của tỉnh là 5.307 phòng, chưa kể các loại hình lưu trú nhà nghỉ, homestay, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê... Những năm qua, lượng khách đến Bình Định tăng mạnh, vào mùa cao điểm xảy ra tình trạng “cháy” phòng ở phân khúc khách sạn 3 sao trở lên và cơ sở lưu trú gần biển. Tuy nhiên, so với năm 2017, năm 2018 tăng 61 khách sạn, số phòng lưu trú cũng tăng đáng kể nên áp lực về phòng lưu trú dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sắp tới sẽ giảm.
“Giá dịch vụ lưu trú cũng là một phản ảnh đo lường chất lượng dịch vụ du lịch, chúng tôi đặc biệt yêu cầu các cơ sở lưu trú thực hiện đúng, đầy đủ quy định kê khai giá dịch vụ lưu trú. Chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp Đội kiểm tra liên ngành du lịch tỉnh, các cơ quan liên quan ra quân kiểm tra trước, trong và sau mùa cao điểm du lịch Tết, xử lý nghiêm các cơ sở lưu trú tự ý nâng giá, “chặt chém” khách”, ông Nhất nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cũng thông tin, trong tháng 1.2019, Sở sẽ tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, như: Kiểm tra các hồ sơ kê khai giá, niêm yết giá tại quầy lễ tân và niêm yết giá tại các buồng, phòng kinh doanh lưu trú, việc xuất hóa đơn bán dịch vụ có đúng giá niêm yết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, cho biết sẽ phối hợp với Sở Du lịch và cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động, không để xảy ra tình trạng “găm” phòng lưu trú, gây sốt giá, ảnh hưởng xấu hình ảnh của DN nói riêng và du lịch Bình Định nói chung.
Nguồn tin: Mai Hoàng (Báo Bình Định)